BabyWolf - Nguyễn Vũ Tuấn Anh

Blog cá nhân chia sẻ về thiết kế web, SEO, Online Marketing, giải pháp web, cuộc sống và nhật ký của tôi.

Cảm nghiệm của tôi về ăn chay ăn mặn

Về vấn đề ăn chay và ăn mặn thì các bạn tìm đọc trên internet chắc cũng đầy rẫy ra cả rồi. Bạn cũng thấy sẽ có rất nhiều luồng ý kiến, đứng trên nhiều quan điểm, cơ sở để luận, đồng tình lẫn không đồng tình, phản bác đủ các thứ. Tóm lại sao cũng được, mỗi người đều phải tự trải nghiệm và suy ngẫm để ngấm cho ra vấn đề thôi. Hôm nay, ở đây, tôi chỉ nói lên những cảm nghiệm của mình. Tôi mượn từ cảm nghiệm bởi vì đây có thể là ý kiến chủ quan của mình, đó là những điều mà tôi cảm nhận được từ những trải nghiệm của chính bản thân mình. Tâm thức - ăn chay và ăn mặn Thời gian qua, tôi có dành thời gian tìm hiểu sâu hơn về Phật pháp và tu tập, tôi cũng có tập thiền. Đây là phương pháp mà tôi đang tìm hiểu và nương theo, tôi không muốn đề cập đến vấn đề tôn giáo. Ví giống như đi từ TPHCM ra Hà Nội thì có nhiều loại phương tiện chọn lựa để đi vậy. Sẵn là người theo đạo Phật tôi chọn Phật pháp nương theo để đi trên con đường đi tìm chân lý cho riêng mình, để khám phá và tăng những hiểu biết, nhận thức về thế giới, vũ trụ hay sự vận động của vạn vật. Bởi vì những lý này đã là những đam mê của tôi từ rất lâu rồi. Khi xưa, trước khi vào đại học, chuyên ngành mà tôi muốn theo là ngành Vật Lý Lý Thuyết chứ không phải ngành Công Nghệ Thông Tin nhưng vì điều kiện không cho phép, cũng có thể nói là quyết tâm của tôi lúc ấy không đủ mạnh so với những khó khăn của gia đình.

Lại nói về tu tập, ở đây tôi lại muốn nói rõ hơn, khi mọi người nghe đến chữ này cứ nghĩ nó cao siêu xa vời. Bởi thế cũng không ít người bảo rằng tôi thể hiện mình, hay cũng không ít người bảo tôi khoác lên mình chiếc áo Phật pháp để sử dụng cho mục đích nào đó. Thật tình tôi cũng chẳng mấy bận tâm, ai nói gì thì nói để không lung lạc điều mình đang làm. Mà nếu nói vì một mục đích nào đó? Lý này cũng không sai, vì tôi chẳng phải đã nói nương theo để tim chân lý đấy thôi, tôi nương theo để mở mang trí tuệ và hiểu biết nhằm tăng thêm cho nhận thức của mình. Tuy nhiên, hôm nay tôi đành phải giải thích để hi vọng các bạn sẽ hiểu. Ai đọc bài này thì coi như tuỳ duyên vậy. Như tôi cũng đã từng nói nhiều lần ở đâu đấy rằng đối với tôi cứ hiểu tu đơn giản là sửa. Là tự biết nhìn vào bản thân mình để sửa chữa và thay đổi, hướng tới điều tốt hơn. Thực tế, ai đang có tinh thần ấy cũng đều là đang tu cả đấy. Chỉ là cách làm của mỗi người khác nhau thôi.

Khéo tu thì sống, vụng tu thì chết


Và hiện nay, tôi chưa phải là người giữ hoàn toàn giới luật, tôi thì thích ăn chay hơn nhưng hiện nay thì chỉ là ăn chay nhiều hơn ăn mặn mà thôi. Bởi vì sao? Bởi vì tôi muốn tự trải nghiệm và quán sát xem những điều gì sẽ xảy ra khi không giữ giới luật như vậy. Tôi vẫn luôn áp dụng Chính KiếnChính Tư Duy trong Bát Chính Đạo để đi tìm sự thực chứng. Có thể ở một số cấp độ nào khác quý đạo hữu sẽ bảo rằng tôi sai trong việc áp dụng này. Tạm thời xem như đấy là cách lựa chọn của tôi. Tôi như thế nào thì cứ mặc kệ tôi cũng được, mỗi chúng ta đều luôn có quyền lựa chọn mà. Hi vọng sẽ không làm các bạn dính nhiễm gây sân hận. Mỗi người tự biết chắt lọc đâu là điều đúng, điều sai, tự ngẫm nghĩ mà rút ra cho riêng mình. Đó mới là điều quan trọng. Bởi vì nếu tôi đã thật sự trong sạch và thật sự tốt thì tôi đâu có đang cố gắng tu tập làm gì. Tôi chỉ hi vọng sẽ có ngày càng nhiều đạo hữu để cùng giúp đỡ nhau, hỗ trợ nhau và thông cảm cho nhau cùng tiến bộ. Ở đây là blog cá nhân của mình, nên tôi xin phép có đôi lời nói lên chút tâm tư của mình vậy. Trước khi Đức Thế Tôn - Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni nhập Niết Bàn có nói:


Này! Các người phải tự mình thắp đuốc lên mà đi! Các người hãy lấy Pháp của ta làm đuốc! Hãy theo Pháp của ta mà tự giải thoát! Ðừng tìm sự giải thoát ở một kẻ nào khác, đừng tìm sự giải thoát ở một nơi nào khác, ngoài các người!


Mỗi chúng ta đều tự thắp đuốc lên mà đi vậy. Chẳng ai có thể giúp được chúng ta đi được hết đoạn đường nếu không muốn thắp đuốc mà đi. Lòng vòng hoài mong quý vị lượng thứ. Đến đây tôi sẽ nói đến vấn đề chính. Cách đây vài hôm tôi có gửi bài lên Facebook như sau:






Giờ đây có dịp nhân ngày nghỉ giải lao cuối tuần sau những ngày làm việc, bươn chải với cuộc sống, tôi xin phép được lý giải rõ hơn về cái status trên. Bởi cũng sẵn vừa rồi có một người chị, cũng là một đạo hữu trao đổi về vấn đề ăn chay và ăn mặn khiến tôi lại muốn viết ra.

Đến đây, bạn có thể dành ít phút để đọc bài Não bộ và quyền năng con người để có thể có ý niệm về sự hoạt động của não bộ, hay xa hơn là tâm thức của ta. Hoặc bạn có thể tạm thời lướt qua và tham khảo sau cũng được.

Tóm lại rằng, mọi thứ, mọi vật hiện hữu với hình, sắc, tướng đều có đặc tính tương tác lên ý thức của con người chúng ta. Ví như có người thích màu đỏ, người thích màu xanh, người thích màu hồng... sao lại thấy thích? Tại sao chúng ta nhìn thấy ma quỷ, hay hình ảnh ma quỷ thì sợ hãi? Ở đây tôi tạm trả lời rằng do quá trình tiếp thu thông tin của bạn từ khi còn bé, hay còn gọi là chấp. Bên dưới tôi sẽ tiếp tục diễn giải cụ thể hơn về vấn đề này.

Cũng vậy, khi tiếp xúc với các hình ảnh tự khắc chúng ta đều có ngay phản ứng và suy nghĩ, mở rộng và đầy đủ hơn bạn có thể tìm hiểu về lục căn, lục thức, lục trần. Bạn có thể tham khảo thêm về bài dưới đây:

Lục căn, lục trần, lục thức = 18 giới

Nếu có thời gian thì bạn tìm hiểu thêm, hoặc tạm thời lướt qua cũng được. Tôi cũng sẽ cố gắng giải thích rõ ràng. Nói chung là những sự tương tác ấy có rất nhiều cấp độ, từ thô cho đến vi tế. Tôi xin phép giải thích đơn giản dễ hiểu về việc ăn. Ví giả như bạn đang ăn thịt gà hay cái đùi gà vậy, bạn có bao giờ tự hỏi vì sao bạn nhận thức được rằng bạn đang ăn thịt gà? Ngay cả khi bạn nghĩ đến miếng thịt gà, thì từ sâu trong tiềm thức và não bộ của bạn đã có những xử lý và cho ra kết quả cuối cùng để bạn nhận thức được về miếng thịt gà.

Ở đây xin mạn phép tiếp tục ngắt ngang để ví qua chủ đề khác. Nếu bạn là một lập trình viên, và bạn cần lập trình một game (trò chơi). Nếu bạn không phải là lập trình viên cũng không sao, tôi cố gắng giải thích dễ hiểu vậy. Nội dung cái game ấy bao gồm việc xây dựng hình ảnh các con vật, rồi chọn các con vật ấy mang ra nhà hàng, nhà hàng chế biến thành các món ăn. Thế thì người lập trình sẽ phải xây dựng các class (nôm na là chủng loài - trong lập trình thì còn có class cha, con,... để có tính thừa kế sử dụng lại đỡ phải viết mã code lại), các class ấy sẽ có những properties (đặc điểm, tính chất) như đầu, mình, tay, chân, mắt, màu sắc... rồi có những method (phương thức) đi lại, phát âm, vỗ cánh, bay,... Sau đó là việc khởi tạo ra các object (đối tượng) với các instants (thực thể) từ các class còn trừu tượng ấy unique (sự riêng biệt) từ các mã ID (như mỗi người có chứng minh nhân dân vậy). Sau đấy rồi, nếu là game thật thì sẽ còn diễn giải dài dòng các quá trình nhưng ở đây tôi thấy không cần thiết. Đến phần tạo ra món ăn, điển hình là món đùi gà, các lập trình viên sẽ viết tiếp function (còn gọi là các hàm, hay chức năng) để phân tách con gà đó ra thành đối tượng nhỏ hơn xuất ra cái kết quả đùi gà rồi đến món đùi gà (thêm các rau củ quả và gia vị).

Như thế đó, trong quá trình xử lý não bộ của bạn thật sự cũng sẽ không khác mấy. Khi bạn nghĩ đến món đùi gà thì tận sâu trong não bộ của bạn sẽ có rất nhiều luồng xử lý sau cho ra kết quả cuối cùng là món đùi gà. Trong tiềm thức ấy sẽ xuất hiện hình ảnh về con gà được sinh ra, phát triển lớn lên, đủ lông và cánh, được nuôi dưỡng, bị đem đi giết thịt, chế biến nấu nướng,... thành món ăn dâng lên bàn cho bạn. Nhưng vì nững xử lý này nó ngầm (transparent on background) nên nếu bạn không thật sự đi sâu vào việc nhận thức vi tế thì khó cỏ thể nhận biết được. Và bạn chỉ thu nhận được kết quả cuối cùng đang nhận thức. Việc thiền định chính là giúp cho bạn đi sâu vào tìm hiểu điều này.

Và như vậy, bạn cũng thấy rằng, các đặc tính của những con vật được xử lý ngầm như thế. Còn nhiều đặc tính nữa, ví dụ như con gà trống phải ngủ với con gà mái để ra con gà con kèm theo là những ham muốn nhục dục. Hay con chó, con bò, con lợn cũng tương tự và có thể thấy rõ ràng hơn. Hai con gà trống hay con gà mái ganh tị nhau và choảng nhau, đấy là đặc tính sự nóng giận, sự ganh tị và ghen ghét... hay còn rất rất nhiều thứ khác nữa. Bạn có thể xem thêm về lý tương tức để hiểu thêm qua bài sau:

Tương Tức - An Lạc Từng Bước Chân (Thích Nhất Hạnh)

Ở đây tôi xin phép trích dẫn lại, đề phòng link trên bị hỏng.




AN LẠC TỪNG BƯỚC CHÂN


Thích Nhất Hạnh

PHẦN BA: AN LẠC TỪNG BƯỚC CHÂN


Tương Tức


Nếu bạn có tâm hồn thi sĩ khi nhìn vào một tờ giấy, bạn sẽ thấy một đám mây bay trong ấy. Không có mây thì không có mưa, không có mưa thì cây cối không mọc được, và nếu không có cây thì làm sao có tờ giấy này trong tay bạn? Cho nên tờ giấy có mặt là vì đám mây có mặt, không có mây thì không có tờ giấy. Đám mây và tờ giấy phải nương vào nhau để hiện hữu, cái đó gọi là tương tức. Chữ này tiếng Anh tôi dịch là inter-being, chưa có trong tự điển. Nếu nhìn tờ giấy kỹ hơn, sâu hơn, ta cũng sẽ thấy ánh nắng mặt trời lấp lánh trong đó. Bởi vì nếu không có ánh mặt trời, làm sao rừng cây mọc được. Dĩ nhiên không có gì mọc được nếu không có mặt trời. Cho nên trong tờ giấy cũng có ánh mặt trời. Tờ giấy và ánh mặt trời phải nương vào nhau mà có. Nếu ta tiếp tục quán chiếu, ta sẽ thấy bác tiều phu đang cưa cây và đem cây đến nhà máy để cây được chế biến làm ra bột giấy. Ta cũng sẽ thấy đồng lúa vì nếu không có lúa bác tiều phu đâu có cơm để ăn mỗi ngày. Rồi ta thấy cả hai người đã sinh ra bác tiều phu. Do đó ta thấy nếu không có tất cả các điều kiện kể trên, tờ giấy không thể nào có mặt được. Nhìn sâu hơn nữa ta cũng sẽ thấy ta có mặt trong tờ giấy. Cái này không có gì khó hiểu, vì khi ta nhìn tờ giấy, tờ giấy là một phần của trí giác ta. Cho nên bạn và tôi đều có mặt trong tờ giấy. Có thể nói rằng tờ giấy chứa đựng tất cả, không có gì mà không có mặt trong tờ giấy; không gian , thời gian, đất nước, khóang chất, ánh mặt trời, đám mây, dòng sông, hơi nóng.... Mọi thứ nương nhau mà có trong tờ giấy này. Mọi thứ có mặt trong nhau, vì vậy tôi mới dịch tương tức là "inter- be". Giả sử ta gửi trả ánh nắng lại cho mặt trời thì tờ giấy này còn hiện hữu được không? Không có ánh mặt trời, không còn gì có thể tồn tại. Cũng vậy, nếu ta gửi trả bác tiều phu lại cho bố mẹ bác thì tờ giấy này cũng không thể có mặt. Vì vậy tờ giấy này được làm ra bởi những yếu tố " không phải giấy ", như là tâm thức của ta, bác tiều phu, ánh nắng mặt trời...., tờ giấy không thể nào được tạo tác ra. Do đó, tờ giấy tuy rất mỏng nhưng chứa đựng cả vũ trụ trong lòng nó.

Bởi thế, khi việc hàng ngày bạn ăn đi ăn lại những món ăn, những đặc tính đấy sẽ liên tục thu nhận vào tâm thức ví giống như bạn học thuộc lòng một bài học. Và điều gì sẽ xảy ra? Chỉ cần ngồi suy ngẫm tôi nghĩ không khó để bạn nhận ra được. Tất nhiên điều ấy không có nghĩa rằng bạn ăn con gì sẽ thành con đó như vậy. Tóm lại, theo tôi nhận thấy khi ăn những thức ăn hàng ngày, các đặc tính ấy sẽ dần vào tâm thức và khiến cho bạn có những hành động, cư xử được tổng hợp từ những đặc tính bởi các thức ăn mà ta ăn vào. Tất nhiên, trong cuộc sống của bạn thì còn có nhiều yếu tố tương tác khác cộng thêm vào. Như trong status ở Facebook mà tôi trích dẫn ở trên cũng có nói điển hình dễ nhận thấy nhất là những chất kích thích như bia, rượu, thuốc lá, cafe... và các chất kích thích khác. Chẳng qua là các chất này có tác dụng nhanh và mạnh nên dễ thấy hơn so với các thứ khác mà chúng ta đưa vào người. Những thứ thức ăn hàng ngày mà chúng ta ăn thì có tác dụng chậm và tích luỹ dần theo năm tháng và tất cả cũng dần trở thành phản ứng tự nhiên đến mức bạn không thể nhận thức ra được quá trình xử lý của nó. Giống như khi tập võ bạn cứ liên tục làm đi làm lại cho trở thành phản xạ vậy. Đến đây, chắc có lẽ bạn cũng thấy rõ hơn về vấn đề như đã nói vì sao có người thích màu này màu kia, vì sao thấy ma quỷ thì sợ. Đấy là do cả một quá trình tiếp thu và ghi nhận thông tin rồi phân biệt, phân loại, tổng hợp rồi lưu trữ mà thành.

Hay chúng ta thử đặt tiếp một vấn đề. Tại sao khi nhìn cảnh tượng ghê rợn, kinh tởm, chúng ta khó có thể ăn được? Rõ ràng những hình ảnh ấy có tương tác rất lớn đến bạn. Nhưng nó dần dần bị che mờ đi và bạn vẫn có thể ăn lại được bình thường. Bạn gọi đó là những thói quen, nhưng thói quen không phải như cách thông thường mà bạn đang hiểu, nó có hẳn một quá trình xử lý rất nhiều thông tin. Việc xử lý rất nhiều thông tin chồng chất này khiến cho não bộ của bạn ngày càng phải tiêu tốn nhiều năng lượng hơn. Đó cũng là một trong những nguyên nhân gây ra bệnh tật, ốm đau và ảnh hưởng đến tuổi thọ của bạn. Bởi vì thế mà thiền giúp bạn quán sát ngược lại quá trình đó và gỡ bỏ những điều này, hay gọi là phá chấp. Bạn đừng lo rằng việc xử lý đơn giản khiến bạn sẽ ngu đi, xử lý và lưu trữ thông tin là hai vấn đề khác nhau. Đó có thể xem như quá trình dọn rác để tối ưu cho cái hệ điều hành máy tính cồng kềnh của bạn vậy. Bạn sắp xếp lại và lập chỉ mục cho các thông tin lưu trữ gọn gàng hơn, bạn tối ưu hoá quá trình xử lý thông tin đơn giản hơn. Có rất nhiều điều ảnh hưởng và gây ra chậm tiến trình xử lý của bạn. Do để cho ra kết quả cuối cùng thì trong quá trình xử lý có những tiến trình bị xung đột nhưng bạn không hay biết. Đấy là để dọn dẹp bớt những luồng xử lý thông tin dư thừa không cần thiết.

Trong Phật học nói ngoài Lục Thức ra thì còn có Mạt na thứcA lại da thức. Ở đây tạm hiểu ví von A lại da thức hay còn gọi là Tàng Thức giống như cái hộp đen, hay cái nhà kho, nó lưu lại các chủng tử trong quá trình tạo tác và sống trong cuộc đời bạn. Sau kiếp sống này thì A lại da thức đấy khi đủ duyên (tạm nói là hoàn cảnh, điều kiện) và giao thoa với vũ trụ này (hình thức, hình thể, quy mô vũ trụ thế nào tuỳ vào quan điểm vũ trụ quan của bạn vậy, hay là các cõi giới) bạn sẽ tái sinh ra một kiếp mới. Điều này bạn có thể tự ngẫm và tìm hiểu thêm trên mạng có rất nhiều rồi.
Đủ duyên thì tụ, hết duyên thì tán

Một điển hình mà tôi cảm nghiệm và nhiều lần có thử nghiệm thấy điều như sau: Tôi năm nay cũng ngoài 30 tuổi, sau nhiều năm hại phá sức khoẻ nhậu nhẹt, bia rượu, thuốc lá,... các thứ khi ngồi thiền kiết già thì chân rất đau nhức và tê. Thực tế vấn đề này cũng là do những phản ứng của tâm thức. Tôi biết điều đó và tìm cách điều chế. Và bạn cũng có thể nói rằng do tuổi càng lớn hay không tập luyện thể thao thì xương cốt cứng hơn nên bị vậy là phải rồi. Điều này cũng không sai. Thế nhưng có những lần tôi thử và để ý thì thấy nếu ăn mặn nhiều thì khi ngồi lại hay bị đau và tê trở lại, mặc dù không nhiều như lúc bắt đầu ngồi tập. Tuy nhiên, tôi biết có những cấp độ cao hơn có thể điều phục được điều này không để tâm bị dính nhiễm, đấy thì là có công phu cao hơn rồi. Ở bài này tôi chỉ viết cho những bạn chỉ biết sơ về thiền tập hay chưa biết. Không dành cho những vị đã tìm hiểu Phật pháp và tu tập lâu năm.

Khi tôi ngồi thiền và quan sát sự vận động của tâm thức. Tôi thấy rằng một khi đã ăn đồ mặn thì rất khó có thể tĩnh tâm và tập trung được. Nhắm mắt thiền mà đầu óc cứ nghĩ vẩn vơ không thể nào chú ý đến hơi thở một cách liên tục được. Ở đây tôi đang nói đến hơi thở một cách bình thường, không nói đến việc bạn cố gắng chủ ý thở mạnh liên tục. Đấy là chưa nói đến hơi thở vi tế càng khó cảm nhận hơn nữa. Đặc biệt là trong Thiền Chỉ (Định) với đề mục hơi thở bạn phải theo dõi hơi thở vi tế của mình (gần như không có). Nhưng nếu bạn có thể tĩnh tâm được thì điều này lại trở nên rất dễ dàng. Ở đây tôi không nói bạn phải thiền, nhưng tôi đưa ra để bạn thấy rõ sự ảnh hưởng của thực phẩm lên tâm thức như thế nào mà bình thường chúng ta không thể nhận ra. Bởi vì chúng ta đã quá quen thuộc với cách nhìn trực quan trực kiến nhận thức từ ngũ quan rồi. Chúng ta không có thói quen quan sát và ghi nhận những điều xảy ra rất rất nhỏ tương tác thế nào lên cuộc sống hàng ngày của mình.

Ngoài ra, khoa học ở các nước phát triển cũng đã từng nghiên cứu và cho thấy rằng khi các con vật bị giết hại nó sẽ lo sợ, thù hận. Với bản năng của loài vật thì sự lo sợ ấy với phản ứng tự nhiên trong cơ thể của chúng cũng tạo ra chất độc tiết ra thịt. Chúng ta ăn vào hàng ngày sẽ ngấm dần các chất độc ấy vào người. Đó cũng là lý do mà ngày nay càng lúc càng nhiều loại bệnh kỳ quặc phát sinh. Đấy là chưa nói đến vấn đề ở các nước kém phát triển như Việt Nam còn dùng đủ các loại thuốc. Do đó, ở các nước phương Tây họ nuôi bò thì cho bò nghe nhạc. Khi giết con vật thì cũng là một cái chết bất thình lình thay vì để chúng biết và lo sợ.

Tôi từng có nghe một người bạn ở US kể rằng ở đấy khi giết bò như sau: Trong một trang trại và chuồng bò có một cánh cổng. Cánh cổng này chỉ đủ để một con bò lọt qua được. Đứng trên cánh cổng ấy là một người cầm súng. Sau đó họ mở cửa ra, các con bò bắt đầu vui sướng vì được thả ra tự do nên tranh giành chen lấn để chui ra. Cứ hễ chú nào chui lọt ra thì cho một phát súng vào đầu. Cách giết bò của họ như vậy, vì họ quan niệm khi cho bò nghe nhạc và giết trong tình huống đó thì thịt sẽ tươi và ngon hơn. Cũng có lẽ vì vậy mà thịt bò Úc đắt tiền.

Đây cũng có thể xem là một hình thức vận động của cái được gọi là nghiệp chướng. Tất nhiên trong Phật Pháp thì nghiệp chướng còn nhiều điều để nói. Ở đây thì bạn có thể thấy rằng khi thái độ, cách cư xử và tư duy hàng ngày của bạn không được tốt thì rõ ràng nó ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của bạn. Tuy nhiên, sự ảnh hưởng này có thể bạn sẽ không cảm nhận được. Đôi khi, chỉ cần một thứ rất nhỏ thôi cũng có thể ảnh hưởng đến rất nhiều chuyện, thậm chí là lớn chuyện. Bạn có thể tham khảo chủ đề dưới đây để thấy rõ thêm điều này.

Có một sợi dây liên kết giữa chúng ta?


Bài viết này dành cho tất cả mọi người có thể đọc. Không dành cho các bạn đã có công phu tu tập lâu năm. Nếu bạn có thời gian để tìm hiểu về thiền tập. Bạn sẽ thấy rất rõ những điều này, và còn rất nhiều điều vi diệu nữa trong thiền tập khi bạn biết cách quan sát và khám phá tâm thức của mình mà tôi không thể nói đến ở đây vì có thể dẫn đến lan man với chủ đề.

Bạn cũng nên tiếp tục lưu giữ Chính Kiến và Chính Tư Duy của mình, lời tôi chia sẻ chỉ lấy làm ý tưởng tham khảo và chiêm nghiệm. Đồng thời tôi cũng rất mong sẽ nhận được sự trao đổi và chia sẻ thêm từ các bạn. Chúc bạn mau sớm nhận ra và lựa chọn cho con đường của mình. Nếu có gì thiếu sót mong quý vị rộng lòng chỉ bảo và bổ khuyết.