BabyWolf - Nguyễn Vũ Tuấn Anh

Blog cá nhân chia sẻ về thiết kế web, SEO, Online Marketing, giải pháp web, cuộc sống và nhật ký của tôi.

Não bộ và quyền năng con người

Bạn có biết về não bộ của mình?

Khoa học hiện đại đã chứng minh được rằng não bộ của chúng ta luôn tự động xử lý thông tin, tôi nhấn mạnh rằng nó “luôn luôn tự động”, nằm ở con số xấp xỉ khoảng 400 tỉ bit thông tin trong một giây. Cho dù bạn không suy nghĩ hay không làm gì nó cũng tự động hoạt động như thế. Thế nhưng khả năng nhận biết của con người bình thường chỉ nhận thức được xấp xỉ khoảng 2,000 bit thông tin trong một giây từ 400 tỉ bit được xử lý đó. Tất nhiên là tuỳ vào từng người sẽ có những con số cụ thể khác nhau cho con số nhận thức được. Một con số chênh lệch cực kỳ lớn, chỉ bằng 1/2,000,000.

Não bộ và quyền năng con người
Não bộ và quyền năng con người

Vì sao lại có sự chênh lệch lớn như vậy?

Chính là bởi do kiến thức mà bạn đang có, những định kiến, lối tư duy của bạn, hay trong Phật giáo thường gọi là chấp hoặc chấp trước. Con số 2,000 bit trả về cho việc nhận thức của bạn chính do những gì bạn đã thu lượm được từ cái gọi là quá khứ, thế nên gọi là chấp trước. Việc này có thể hình dung giống như nước được đổ vào một cái phễu. Cũng giống như một đứa trẻ lớp một hỏi nó rằng 1 - 2 kết quả như thế nào vậy, nó sẽ tả lời rằng kết quả sai vì nó chưa được biết đến số âm, hay học sinh dưới đại học sẽ trả lời với phương trình x2 = -1 thì vô nghiệm.

Chính vì những lẽ đó mà làm cho khả năng nhận thức thực tại của bạn bị giảm đi một con số vô cùng đáng kể. Có những thứ xung quanh bạn đang diễn ra nhưng bạn hoàn toàn không nhận thức được nó, bởi vì bạn không chú tâm đến nó. Một điển hình nhất sống còn đối với bạn đó chính là hơi thở của bạn. Một khi hơi thở ngừng quá lâu sự sống của bạn cũng mất đi, ấy vậy mà bạn chưa hề có ý niệm muốn biết và điều khiển được nó. Một ví dụ khác là vì sao bạn luôn tự biết hay nhận thức được bản thân mình so với môi trường xung quanh, với vạn vật và người khác. Đó chính là nhờ những sự xử lý tự động của não bộ một cách như vô thức làm bạn không cảm nhận được. Đây chỉ là những ví dụ cho bạn dễ hiểu, còn rất nhiều những xử lý thông tin khác mà bạn không cảm nhận được.

Lại nữa, nếu so sánh giữa một người bình thường và một người đang trong trạng thái hoảng loạn, lo sợ. Sự nhận thức về xung quanh cũng khác nhau, người hoảng loạng và lo sợ họ chỉ chú tâm ghi nhận những thông tin liên quan đến sự lo sợ của họ, mặc dù lúc đó có rất nhiều âm thanh xung quanh lọt vào tai, rất nhiều hình ảnh xung quanh lọt vào mắt nhưng khả năng ghi nhận của họ bị kém đi vào thời điểm đó. Tuy nhiên nó vẫn tự động được ghi nhận lại vào tiềm thức với những gì thu được. Cũng bởi vì thế mà ngày nay có ngành khoa học thần kinh và tâm lý, họ dùng biện pháp thôi miên để điều tra tội phạm bằng cách để người bị hoảng loạn được khơi dậy những hình ảnh tiếp thu lúc đó, nó như việc lục tìm một cuốn sách trong thư viện.

Hay như việc bạn tham gia một buổi tiệc rất nhiều người, bạn nhìn và nghe xung quanh, thông tin thu nhận được về những người xung quanh của bạn rất hạn chế. Đôi khi gặp lại người nào đó bạn cũng không hình dung và không nhớ được, và đôi khi được nhắc đến thì bạn lại sực nhớ ra, bởi vì trong thời điểm đó bạn thấy những thông tin đó không quan trọng với bạn. Và khi được nhắc lại, như một cuốn băng được tua lại, bạn bắt đầu nhớ ra.

Tại sao có những người thông minh và những người kém thông minh hơn? Đó là bởi vì cái đáy phễu của người thông minh rộng hơn người kém thông minh kia. Ngoài ra, người thông minh thường hay có xu hướng suy nghĩ mọi thứ một cách đơn giản và nhanh nhạy.

Vậy làm sao để mở rộng cái phễu này ra?

Như trên bạn cũng thấy rằng chúng ta quá bị chi phối và dẫn dắt bởi những thông tin mà các giác quan mang lại. Đàn ông thấy gái đẹp thì bị cuốn theo làm mất tập trung; ăn miếng bánh hay món ăn ngon thì làm cho thèm và muốn ăn lại; cái gì làm ta vui sướng thì ta cứ cố giữ lấy và muốn được trở lại như vậy, thậm chí còn muốn tiếp những cái hơn như vậy, vì cái vui sướng đã có đã trở thành một cột mốc, khi không được như cột mốc định hình thì chúng ta lại thấy đau khổ; thấy người khác nhiều tiền và giàu có thì ham, muốn được như họ, đầu óc cứ luẩn quẩn những điều đó, trong khi những cái trước mắt thì không chú tâm giải quyết, kết quả nhận được không tốt lại đau khổ và dằn vặt tiếp; bạn thấy người giỏi hơn bạn thì bạn ganh tỵ; thành công hơn bạn thì bạn ghen ghét. Những sự đau khổ đó khiến chúng ta càng thêm u mê, dằn vặt, làm ta mất đi sự minh mẫn vốn có. Chúng ta cứ chạy theo hoài, chạy theo mãi, bị ngoại cảnh xung quanh chi phối dẫn dắt và điều khiển mà khó rời bỏ.

Do đó bạn cũng thấy rằng để mở rộng cái phễu này ra thì phải để bạn không bị lôi cuốn vào một cái gì cả, xem mọi thứ như vô thường, mà nó là vô thường thật đấy, để tâm mình luôn được tĩnh lặng, sáng suốt, mọi thứ khác xung quanh cứ để nó tự nhiên ghi nhận. Và khi cần làm gì thì chỉ cần gom những thứ tự nhiên đã ghi nhận đó tổng hợp lại cho ra kết quả mà bạn muốn.

Để tôi kể cho bạn một câu chuyện nhỏ thế này, tôi ngồi chơi cùng các bạn đồng nghiệp (người nước ngoài). Một người lên Facebook và thấy một câu đố logic về toán, người đấy đưa ra cho mọi người cùng giải. Tôi chỉ mất 3 giây nhìn vào thì có ngay kết quả, nhưng tôi để yên nhìn cách mọi người luận và phân tích những sự đánh đố, gài bẫy. Cuối cùng cả nhóm thống nhất ra một kết quả, tôi trả lời rằng:

- Sai hết rồi, kết quả là...

Thế là cả nhóm bảo rằng:

- Oh, đúng rồi, mày quả đúng là người thông minh nhất trong nhóm.

- Không, tôi không nghĩ mình thông minh nhất trong nhóm.

- Tại sao?

- Đơn giản bởi vì ngồi chơi suốt từ nãy đến giờ tôi không chú ý vào một cái gì cả, tôi không để bất kỳ thứ gì xung quanh chi phối mình làm mình bị lôi cuốn theo.

Trước đó thì trong nhóm có người chú ý đến tôi hỏi:

- Ê, mày có gì không vui à?

- Không, tao bình thường mà - Tôi vui vẻ cười và trả lời.

- Tại tao thấy mày chẳng có phản ứng gì hết.

- À, tại tao thường thế mà, đang cảm nhận hết thảy mọi thứ xung quanh thôi.

Đây là một ví dụ cho bạn dễ nhận thấy vấn đề, còn việc bạn tin hay không thì tuỳ vào bạn và đó là lựa chọn của bạn. Tuy nhiên tôi nghĩ ai cũng muốn được minh mẫn, sáng suốt để thay đổi cuộc sống, thay đổi thái độ sống của mình.

Phương pháp mà tôi theo

Và con đường để tôi đạt được như vậy chính nhờ việc tu tập và thiền định, tôi gỡ bỏ dần những vướng chấp của mình. Bạn đừng nghĩ rằng tu thì phải thế này, phải thế nọ, phải cạo đầu xuất gia, nếu được như vậy thì càng tốt nhưng không nhất thiết phải thế để nhận thức được thực tại khách quan xung quanh mình. Nghĩa của chữ tu là sửa, bạn quan sát cuộc sống xung quanh và nhìn vào mình và tự sửa mình. Bạn thiền định để tâm tĩnh lặng, dẹp bỏ bớt những tạp niệm mà ta không ý thức được và tập quán sát, tập trung ghi nhận các thông tin, ghi nhận sự hoạt động của cái tâm, nó bị chạy theo những suy nghĩ như thế nào và tập điều khiển nó thay vì để nó điều khiển mà chúng ta không nhận thức được ra.

Trên là con đường mà tôi đã đi qua, bạn có thể chọn con đường riêng cho mình để phá chấp, để minh mẫn, để có những suy nghĩ cởi mở không bị vướng (think out of the box). Nhiều người sẽ nghĩ rằng điều này thật là khó, nó thật ra không khó chút nào, chỉ cần trong mọi hoạt động hàng ngày, bạn chịu khó chú ý và quan sát, quan sát cái tâm bạn hoạt động như thế nào khi đối cảnh, ghi nhận và so sánh các kết quả. Dần dần bạn sẽ thấy cuộc sống của bạn bắt đầu thay đổi với thái độ sống khác của bạn. Từ khi tôi bắt đầu quan tâm vào việc thay đổi thái độ và cách sống của mình, tôi luôn tiếp nhận mọi thứ cho dù đó là thứ trước đây tôi từng cho là xấu một cách lạc quan, cuộc sống của tôi cũng trở nên vui vẻ và may mắn hơn hẳn. Tôi đã có thể nở nụ cười một cách dễ dàng trước nhiều người khác nhau.

Và với những gì mà tôi thấy, bộ não chúng ta còn kỳ diệu hơn rất nhiều so với những gì đã nói ở trên. Tuy nhiên, điều này để các bạn tự cảm nhận qua quá trình quan sát và sửa đổi mình. Nếu bạn nào thật sự quan tâm và hứng thú, tôi luôn sẵn sàng hoan hỷ chia sẻ. Bởi vì có những thứ không phải lúc nào cũng nói ra được khiến cho bạn bị chấp trước.

Hãy thử tưởng tượng, nếu một người có khả năng ghi nhận 400 tỉ bit thông tin trong một giây. Có nghĩa rằng họ thu nhận được thông tin hơn bạn 2 triệu lần trong một giây. Một ngày có 86,400 giây, tức một giây nhận thức của họ bằng xấp xỉ 23 ngày của bạn, 15 giây của họ đã gần một năm của bạn. Qua đó cho thấy không có gì là ngạc nhiên khi có những người thông minh xuất chúng hay có những người làm ra được điều kỳ diệu. Tất nhiên để đạt được con số 400 tỉ này rất ư là khó, nhưng qua đó những con số chênh lệch này sẽ cho thấy không phí chút nào nếu bạn chịu dành thời gian để thay đổi nhận thức của bạn.

Hãy bắt đầu con đường tự giải thoát cho tâm của bạn

Bài chia sẻ trên Facebook: https://www.facebook.com/babywolfvn/posts/10203784909374240
Bài viết có thể bạn quan tâm:

  1. Có một sợi dây liên kết giữa chúng ta?
  2. Có một sợi dây liên kết giữa chúng ta? - Phần 2